Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Khoa Kế toán Kiểm toán tổ chức lễ phát động nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2018 - 2019

Chị Vũ Lệ Hường trao tặng phần quà của ICAEW cho sinh viên xuất sắc Nguyễn Đức Phong
Ngày 7/1/2019, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức buổi định hướng và phát động nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2018-2019. Lễ phát động được diễn ra trong không khí ấm cúng tại P.511 E4, với sự tham dự của khách mời đặc biệt của chương trình, chị Vũ Lệ Hường – Trưởng Ban phát triển khối giáo dục ICAEW Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy – Chủ nhiệm khoa Kế toán Kiểm toán, TS. Nguyễn Thị Hương Liên – Phó chủ nhiệm khoa Kế toán Kiểm toán cùng đông đảo các giảng viên và sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán.

Mở đầu của buổi lễ, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy đã có những chia sẻ rất sâu sắc và đầy đủ về thực trạng, xu hướng và các định hướng của khoa kế toán – kiểm toán về hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên trong năm học 2018-2019. Tiếp đó, đại diện sinh viên có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, sinh viên Nguyễn Đức Phong (K61 Kế toán, Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐHQG), đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học mà bạn đã đúc rút được từ mùa nghiên cứu khoa học trước. Với thành tích giải Nhất NCKH cấp khoa Kế toán Kiểm toán, giải ba NCKH cấp trường Đại học Kinh tế năm học 2017 – 2018, Phong đã có những chia sẻ rất bổ ích và thiết thực về hành trình NCKH sinh viên: Nghiên cứu khoa học là gì? Lợi ích NCKH? Quy trình NCKH? Làm thế nào để chọn đề tài nghiên cứu? Chọn nhóm nghiên cứu? Kết thúc phần chia sẻ của mình, Phong đã gợi mở những vấn đề cần thiết để hoàn tất một bài nghiên cứu, trong đó, Phong rất tán thành việc khoa Kế toán Kiểm toán đã thêm môn học tự chọn “Phương pháp nghiên cứu kinh tế” vào khung chương trình đào tạo cho các bạn sinh viên chất lượng cao theo Thông tư 23 của Bộ Giáo Dục (sinh viên K63), từ đó có lời khuyên các bạn K63 nên lựa chọn môn này vì môn học này cung cấp cho các bạn rất nhiều kiến thức nền tảng liên quan đến NCKH. Qua đó, tất cả các bạn sinh viên, bao gồm cả sinh viên năm thứ nhất đều có được cái nhìn tổng thể quá trình NCKH để xây dựng một chiến lược đúng đắn trước khi bắt đầu thực hiện một công trình NCKH.

Sau phần trình bày kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của Phong, chị Vũ Lệ Hường - Trưởng Ban phát triển khối giáo dục ICAEW Việt Nam đã trao tặng phần quà của ICAEW cho Phong để ghi nhận những chia sẻ đầy cảm hứng của Phong cho các bạn tham dự lễ phát động (trong đó có sinh viên K63 năm thứ nhất) để các bạn có những hiểu biết khái quát nhất trước khi bắt đầu thực hiện công trình nghiên cứu khoa học của mình.

Trong phần tiếp theo, TS. Phạm Ngọc Quang đã chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn đề tài phù hợp với sinh viên trong quá trình nghiên cứu khoa học, bằng việc đưa ra ví dụ về những đề tài có tính “nóng”, những đề tài quá chung chung, phạm vi rộng hay hẹp, từ đó đã đưa ra những định hướng chi tiết hơn trong việc chọn đề tài nghiên cứu: chọn đề tài có tính hấp dẫn, phạm vi không quá rộng và quan trọng hơn hết đó là việc đề tài phải có tính khả thi cao.

Sau đó, TS. Nguyễn Thị Hương Liên đã tổng hợp các bước thực hiện quy trình nghiên cứu và hướng dẫn chi tiết cách viết các cấu phần trong một báo cáo nghiên cứu bao gồm: đặt câu hỏi nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, cách trích dẫn tài liệu tham khảo. Thông qua việc sử dụng phương pháp case study là các bài nghiên cứu đạt giải nhất cấp Khoa Kế toán Kiểm toán qua các năm học, cô đã minh họa sống động và cụ thể cho các bạn sinh viên hiểu rõ các bước thực hiện trong quá trình NCKH. Không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về nghiên cứu khoa học, cô còn nhắn nhủ các bạn sinh viên phải luôn chủ động và sáng tạo trong quá trình nghiên cứu vì nghiên cứu khoa học sinh viên là sự trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm từ chính các bạn sinh viên và thầy cô sẽ là người định hướng, hướng dẫn các bạn những vấn đề then chốt.
 
         Cô Hương Liên hướng dẫn các bước xây dựng đề cương nghiên cứu

Phần cuối của buổi lễ phát động là phần hỏi đáp giữa sinh viên và các giảng viên. Các bạn sinh viên rất sôi nổi và hào hứng đưa ra câu hỏi của mình với các giảng viên về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học. Có nhiều câu hỏi rất hay và được các giảng viên trả lời rất nhiệt tình như: Khi làm một công trình nghiên cứu khoa học thì các bạn có thể đọc tài liệu ở các nguồn nào? ThS. Khiếu Hữu Bình đã đưa ra một gợi ý, đó là xin tài liệu từ chính giảng viên hướng dẫn của các bạn vì giảng viên hướng dẫn sẽ là người hiểu rõ hướng đề tài các bạn sẽ làm. Cũng có rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên năm nhất về việc lựa chọn giảng viên hướng dẫn như thế nào cho phù hợp với hướng nghiên cứu của mình? Thắc mắc này đã được cô Hương Liên giải đáp, đó là các bạn sẽ tìm hiểu thông tin về hướng nghiên cứu chính của giảng viên công bố trên website của Khoa Kế toán Kiểm toán, đối chiếu xem hướng nghiên cứu chính của giảng viên có khớp với mong muốn của các bạn không để đăng kí vào đơn đề xuất giảng viên hướng dẫn. Một câu hỏi khác nhưng không phải xuất phát từ phía các bạn sinh viên mà xuất phát từ TS. Phạm Ngọc Quang về việc nghiên cứu khoa học sinh viên thường thường chỉ kéo dài trong khoảng thời gian khá ngắn, thường là 3 tháng, vậy các thầy cô có kinh nghiệm nào chia sẻ cho các bạn sinh viên để hoàn thành đúng hạn công trình NCKH không? Để trả lời câu hỏi này, chủ nhiệm khoa Kế toán – Kiểm toán, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy đã chia sẻ thời điểm NCKH sinh viên không phải bắt đầu từ giai đoạn đăng kí đề tài nghiên cứu mà có thể đã được bắt đầu ngay từ khi các giảng viên giảng dạy trên lớp đã cung cấp một vài đề tài hay liên quan đến môn học và các bạn sinh viên đã liên hệ với giảng viên trước đó rồi. Tiếp thêm chia sẻ của cô Thúy, TS. Đỗ Kiều Oanh, chủ nhiệm Bộ môn kế toán đã có những chia sẻ rất thực tế, đó là giai đoạn trước khi đăng kí giảng viên hướng dẫn, các bạn sinh viên có dự định nghiên cứu đã liên hệ “ngầm” với các giảng viên và lúc mà các bạn đăng kí giảng viên chỉ là bước “lộ thiên” mà thôi. Trước khi kết thúc phần hỏi đáp, có một câu hỏi được đưa ra là dữ liệu sơ cấp thì có độ tin cậy cao hơn, tuy nhiên khi thu thập dữ liệu sơ cấp sẽ mất nhiều thời gian hơn do phải xây dựng và thu thập xử lý bảng hỏi. Để giải đáp cho câu hỏi này, NCS. Đỗ Quỳnh Chi đã chia sẻ là việc chọn dữ liệu sơ cấp hay thứ cấp còn phụ thuộc vào đề tài các bạn nghiên cứu và trên hết là tính khả thi của việc thu thập dữ liệu. Đồng thời, cô Quỳnh Chi còn đưa ra lời khuyên với các bạn sinh viên nên có tầm nhìn xa trông rộng, để thấy được các lợi ích dài hạn mà NCKH sinh viên có thể mang lại cho các bạn.

Buổi lễ phát động đã kết thúc trong sự hào hứng, hân hoan của cả thầy và trò khoa Kế toán Kiểm toán, qua đó các sinh viên đã thu thập được các thông tin hữu ích, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đăng ký đề tài NCKH năm học 2018-2019. 

Thùy Dung, Khoa KTKT

FullName Email
Address Security code OTVOOR
Content